Thiết bị sinh hơi (bộ sinh hơi) nhờ năng lượng dầu tải nhiệt là gì?
Thiết bị sinh hơi nhờ năng lượng dầu tải nhiệt, gọi tắt là bộ sinh hơi, là môt thiết bị sản xuất hơi nước nhưng không dùng nguồn năng lượng trực tiếp từ nhiên liệu hoặc từ điện mà là từ dầu tải nhiệt có nhiệt độ cao.
Về nguyên lý, bộ sinh hơi dùng dầu tải nhiệt có rất nhiều điểm tương đồng với lò hơi điện. Điểm khác biệt lớn nhất là lò hơi điện dùng nguồn điện chuyển động trong các cuộn gia nhiệt để truyền năng lượng cho nước còn bộ sinh hơi dùng dầu tải nhiệt thì dùng dầu nóng chuyển động trong các cuộn gia nhiệt này để làm nguồn nhiệt.
Tại sao lại là bộ sinh hơi?
Tại sao chúng ta sử dụng bộ sinh hơi thay vì lò hơi đốt nhiên liệu rắn, nhiên liệu lỏng – khí hoặc thậm chí lò hơi điện?
Thứ nhất, nói về tính nhỏ gọn: bộ sinh hơi dùng dầu tải nhiệt có chung đặc điểm với các lò đốt dầu, đốt gas hoặc lò điện trở đó là kích thước của chúng rất nhỏ gọn. Thậm chí trong số các thiết bị sinh hơi này, bộ sinh hơi bằng dầu tải nhiệt là loại có kích thước nhỏ nhất khi xét trên cùng một công suất nhiệt.
Thứ hai, nói về chi phí năng lượng: Lò hơi điện trở là loại có chi phí đắt đỏ nhất trong số các thiết bị trên, kế đến là lò đốt gas, rồi đến lò đốt dầu và cuối cùng, bộ sinh hơi bằng dầu tải nhiệt là loại có chi phí năng lượng rẻ nhất vì chúng sử dụng năng lượng trực tiếp từ lò dầu đốt nhiên liệu rắn. Nói cách khác, có thể xem chúng là một dạng lò hơi dùng nhiên liệu rắn, do đó, chi phí năng lượng của chúng rất thấp.
Thứ ba, nói về giới hạn công suất: Ở lò hơi điện trở, khi mở rộng công suất sẽ gặp giới hạn về hệ thống lưới điện. Khi đó, chi phí đầu tư hệ thống trạm điện sẽ tăng mạnh, khiến cho việc đầu tư trở nên không hiệu quả, rất tốn kém.
Ngược lại, ở các lò hơi đốt dầu và đốt gas, việc tăng công suất sẽ dễ dàng hơn nhưng lại bị giới hạn bởi đường kính lò. Do đó, muốn tăng công suất lò, phải đổi sang dạng lò vách ướt, có cấu tạo phức tạp hơn và giảm bớt tính gọn nhẹ.
Riêng đối với bộ sinh hơi bằng dầu tải nhiệt, do đặc điểm hệ số truyền nhiệt giữa dầu và nước rất cao và không cần buồng đốt như các lò đốt dầu đốt gas, cũng không gặp giới hạn về công suất nguồn năng lượng như trường hợp lò điện trở, công suất thiết kế được phép lớn hơn nhiều.
Thứ tư, nói về khả năng điều chỉnh tải: bộ sinh hơi dùng dầu tải nhiệt cho phép điều chỉnh tải rất tốt ở một dải công suất rất rộng và bước nhảy công suất rất nhỏ, đồng thời thời gian điều chỉnh rất ngắn. Điều này gần bằng với lò hơn điện trở và tương đương lò hơi đốt dầu đốt gas dạng vô cấp. Nói cách khác, bộ sinh hơi dùng dầu tải nhiệt có được ưu điểm mà các lò hơi đốt nhiên liệu rắn không có về khả năng điều chỉnh tải.
Thứ năm, nói về sự đơn giản và khả năng hoạt động ổn định: Bộ sinh hơi có cấu tạo cực kỳ đơn giản do không kèm theo hệ thống đốt. Hơn nữa, vì cấu tạo đơn giản nên việc bảo trì bảo dưỡng cũng rất dễ dàng. Bộ sinh hơi bằng dầu tải nhiệt có thể hoạt động trong một thời gian rất dài mà không cần bảo trì bảo dưỡng. Nhìn chung, ngoại trừ lò hơi điện trở, ta không thể có được đặc tính này ở bất cứ loại thiết bị sinh hơi nào khác.
Với những đặc điểm đã kể trên đây, bộ sinh hơi bằng dầu tải nhiệt xứng đáng có được một vị trí quan trọng trong bảng xếp hạng các thiết bị sinh hơi. Do đó, trong một số trường hợp, bộ sinh hơi sinh hơi bằng dầu tải nhiệt sẽ là lựa chọn tốt nhất cho chủ doanh nghiệp.
Khi nào nên dùng bộ sinh hơi?
Có rất nhiều ưu đểm vượt trội như đã nói trên đây nhưng bộ sinh hơi dùng dầu tải nhiệt có một yêu cầu rất đặc biệt khiến cho phạm vi ứng dụng của nó bị hạn chế, đó là: Cần phải có dầu tải nhiệt!
Nói cách khác, bộ sinh hơi dùng dầu tải nhiệt chỉ thể hiện đầy đủ sự ưu việt của nó khi đi kèm với một hệ thống lò dầu tải nhiệt. Và cũng cần nhấn mạnh là, hệ thống lò dầu tải nhiệt này phải được thiết kế để sử dụng thêm với mục đích khác nữa.
Việc sản xuất hơi nước chỉ là một ứng dụng đi kèm, tuyệt đối không nên sử dụng lò dầu tải nhiệt chỉ để cung cấp năng lượng cho bộ sinh hơi vì chi phí sẽ lớn và hệ thống sẽ làm việc kém hiệu quả hơn so với việc lắp đặt một hệ thống lò hơi có cùng công suất.
Một số chủ doanh nghiệp trước đây lựa chọn phương án lắp song song hệ thống lò hơi và hệ thống lò dầu tải nhiệt. Điều này chỉ nên thực hiện khi nhà máy cần một nguồn hơi có áp suất cao hoặc khi công suất sinh hơi quá lớn (chiếm trên 70-80% năng lượng từ lò dầu tải nhiệt). Nếu không, việc lắp đặt một bộ sinh hơi bằng dầu tải nhiệt kết hợp với lò dầu tải nhiệt chắc chắn là một lựa chọn tuyệt vời không thể bỏ qua.
Những lưu ý khi vận hành bộ sinh hơi
Nhờ vào cấu tạo và nguyên lý hoạt động đơn giản, vậy nên sẽ không có quá nhiều lưu ý khi vận hành, Martech giúp bạn chỉ ra một số lưu ý chính như sau:
Thứ nhất, về nguyên lý đường hơi và đường nước, bộ sinh hơi bằng dầu tải nhiệt có chung đặc điểm với các hệ thống lò hơi khác. Do đó, cần được lưu ý đến các vấn đề về chất lượng nước cấp. Nước cấp cần được xử lý đạt chất lượng, được khử khí để loại bỏ oxy và khí không ngưng trước khi cấp vào bộ sinh hơi.
Thứ hai, khả năng điều chỉnh tải hơi phụ thuộc rất nhiều vào sự hoạt động ổn định của hệ van cấp dầu, do đó cần theo dõi, kiểm tra để đảm bảo hệ thống van này hoạt động tốt. Đặc biệt, trong trường hợp van điều khiển cấp dầu hoạt động bằng khí nén, cần đảm bảo nguồn áp khí nén ổn định, không đột ngột rớt áp.
Thứ ba, cần xả đáy định kỳ đối với các bộ sinh hơi có cơ chế xả đáy thủ công để đảm bảo nước trong bộ sinh hơi không bị đóng cáu cặn, làm tăng nhiệt trở, ảnh hưởng đến khả năng truyền nhiệt từ dầu nóng cho nước.
Thứ tư, cần kiểm tra đảm bảo các cảm biến áp suất và mực nước luôn trong tình trạng tốt.
Nếu đảm bảo những điều trên đây, bạn sẽ không cần phải lo lắng quá nhiều về sự hoạt động ổn định đến mức kinh ngạc của thiết bị này.